Nội bộ lủng củng do vướng mắc “quân anh, quân tôi” khiến bóng bàn Việt Nam tụt lại so với chính mình khi các HLV nội nắm quyền. Vì thế, việc có mặt của 2 chuyên gia Kim Song Hwan và Li Jong Sik cũng chấm dứt chuyện xào xáo nội bộ.
Bóng bàn dù không còn mang lại những vinh quang tột đỉnh ở đấu trường Đông Nam Á hay SEA Games nhưng vẫn là một trong những môn thể thao hấp dẫn, thu hút nhiều sự chú ý của người hâm mộ. Ý thức được điều này, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam khóa V đã rốt ráo cùng Tổng cục TDTT thuê HLV ngoại để nâng tầm đội tuyển.
Sau rất nhiều thời gian tìm kiếm và thương thảo, từ ngày 1/2/2014 sắp tới, hai chuyên gia người CHDCND Triều Tiên là Kim Song Hwan và Li Jong Sik sẽ huấn luyện cho đội tuyển bóng bàn nam, nữ quốc gia. Hợp đồng của 2 chuyên gia vừa nêu với Tổng cục TDTT có thời hạn từ ngày 1/2/2014 đến 31/12/2014 với mức lương 2.300 USD/người/tháng (chưa kể thuế thu nhập). Trong năm 2014, nhiệm vụ quan trọng nhất của đội tuyển bóng bàn quốc gia là tham dự Asian Games 2014 tại Hàn Quốc.
Hơn 10 năm trước, với các chuyên gia Trung Quốc, đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Một thời gian sau đó, tưởng như các HLV nội có thể đảm đương được phần việc của các HLV ngoại nhưng thực tế lại khác hẳn. Chỉ riêng việc “quân anh, quân tôi” đã đủ khiến người ngoài bàn ra tán vào, còn nội tình đội tuyển không phải lúc nào cũng yên ả. Chuyện xô xát giữa Lê Tiến Đạt và Tô Đức Hoàng tại Giải vô địch Đông Nam Á năm 2012 cũng bắt nguồn từ chuyện “quân anh, quân tôi”.
Chấm dứt chuyện “quân anh, quân tôi” - 1
Có lẽ, đấy là hệ quả lớn nhất của chuyện trao quyền HLV đội tuyển cho một HLV nội, đang thuộc biên chế một đơn vị nào đó. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ở một số đội tuyển quốc gia, như đội tuyển quyền Anh trẻ quốc gia, chức danh HLV trưởng đã được trao cho những HLV tự do. Lập tức, các địa phương lại tạo điều kiện cho VĐV lên đội tuyển. Họ tin rằng những quyết định của HLV trưởng kia sẽ khách quan, không vì mục đích cá nhân mà làm thui chột tài năng của VĐV. Nhưng đi tìm một HLV nội đang hành nghề tự do cho đội tuyển bóng bàn cũng khó. Đến đây, cái tài của HLV lại được đặt lên bàn cân. Nhưng những người xuất sắc trong làng HLV nội lại đang thuộc một đơn vị nào đó rồi. Đưa ai lên nắm quyền HLV trưởng rồi cũng dễ sinh dư luận.
Trước đây, HLV Lê Xuân Phong sẵn sàng lên đội tuyển nhưng sau khi để xảy ra sự cố tại Giải vô địch Đông Nam Á thì cánh cửa đội tuyển quốc gia đã khép lại với HLV này, không biết bao giờ mới “mở” lại. Thậm chí, chuyện tìm trợ lý HLV nội cũng khó chứ chưa kể tới việc tìm HLV trưởng. Một người có trách nhiệm đã nói rằng, khi lên đội tuyển, HLV bị cắt mọi chế độ ở địa phương trong khi thu nhập ở đội tuyển lại thấp hơn, chỉ khoảng vài triệu đồng. Vì vậy, chẳng ai mặn mà lên đội tuyển. Nói gì thì trách nhiệm cũng phải gắn với quyền lợi.
Trước SEA Games 27, 2 tay vợt kỳ cựu của bóng bàn Việt Nam là Đinh Quang Linh và Trần Tuấn Quỳnh đã bỏ vòng đấu nội bộ để tuyển chọn sau đó bị loại khỏi đội tuyển. Nhưng nguyên nhân chính là 2 tay vợt này phản đối sự có mặt của Tiến Đạt trên đội tuyển. Bởi thế, việc các HLV nội dẫn dắt luôn khiến các đơn vị không yên tâm, bên cạnh đó là sự bất phục tùng của các tay vợt. Chính vì vậy, những năm gần đây bóng bàn Việt Nam tụt dốc không phanh.
Sự có mặt của 2 chuyên gia Kim Song Hwan và Li Jong Sik được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi mạnh mẽ về kỹ chiến thuật cũng như tinh thần của các tuyển thủ Việt Nam, vốn đã chững lại trong nhiều năm qua dưới sự dẫn dắt của các HLV nội. Bên cạnh đó cũng chấm dứt sự xáo xào nội bộ vì “quân anh, quân tôi”.