Sáng 3-4, người hâm mộ bóng bàn VN sẽ có dịp gặp lại các tên tuổi một thời vang bóng của bóng bàn VN trong trận giao hữu quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản. Trong đó có sự góp mặt của “kỳ quan bóng bàn thế giới” Lê Văn Tiết và HCV đồng đội SEAP Games 1959 Trần Cảnh Đến.
Theo phó giám đốc Công ty cổ phần Thể thao - văn hóa dầu khí Trương Thế Nhiệm, ý tưởng tổ chức thi đấu xuất phát từ mong muốn “phải làm điều gì đó để giúp người dân Nhật” từ người thầy ruột của anh: danh thủ Lê Văn Tiết. Theo kế hoạch, các trận đấu của giải sẽ diễn ra tại Trung tâm TDTT Bình Thạnh (8 Phan Đăng Lưu, TP.HCM) và vào cửa tự do. Hiện đã có sáu CLB đăng ký tham dự giải.
Từng được cây bút Robert Journal (báo J.E.O) và tờ Nhật Bản Thời Luận gọi là “kỳ quan của bóng bàn thế giới”, ngoài bộ sưu tập thành tích đáng nể như: HCV Asiad Tokyo năm 1958, HCĐ thế giới Dortmund, Đức năm 1959, vô địch Giải Pháp mở rộng năm 1959, hạng 6 thế giới năm 1959... ông Tiết còn được ghi tên vào lịch sử bóng bàn thế giới nhờ lối chơi phòng thủ phản công độc đáo.
Ông Tiết cho biết: “Sau chiếc HCV Asiad 1958 tại Tokyo, trận đấu để đời của tôi là trận thắng tay vợt Murakami - người vừa đoạt HCV thế giới đôi nam tại Đức - trong trận chung kết Giải Pháp mở rộng 1959”. Ở trận đấu này, Murakami dẫn Lê Văn Tiết 2-0 (21-17, 21-15) và gần như cầm chắc chiến thắng. Nhưng ở ván ba và tư, Lê Văn Tiết thay đổi đấu pháp và thắng lại hai ván (21-16 và 21-12) để cân bằng tỉ số 2-2.
Ở ván quyết định, Murakami dẫn trước 5-0, rồi 10-5 nhưng Lê Văn Tiết đã bắt kịp 10-10 và bứt luôn để chiến thắng với 21-17. Trong 5.000 khán giả ngồi kín nhà thi đấu lúc ấy có khá đông Việt kiều và mọi người đã trào nước mắt vì hạnh phúc. Tay vợt huyền thoại của Nhật Ogimura chứng kiến trận đấu này phải thốt lên: “Đây là trận đấu khủng khiếp nhất mà tôi được xem”. Nhờ chiến thắng này, Lê Văn Tiết đã được xếp hạng 6 thế giới trong năm 1959.
Hiện nay ở tuổi 74, ông Tiết vẫn đủ sức chạy xe máy chở hai đứa cháu nội, cháu ngoại đến tập bóng bàn ở một CLB gần nhà. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn một nhóm học viên là giám đốc, giáo viên ở một CLB khác. Từng bốn lần sang Nhật thi đấu, giao lưu nên khi xem truyền hình thấy hình ảnh thương tâm của người dân Nhật trong cơn động đất, sóng thần vừa qua, ý định làm điều gì đó giúp người dân Nhật đã thôi thúc trong ông. Vì vậy khi cậu học trò Trương Thế Nhiệm đề nghị góp mặt ở hoạt động quyên góp này, ông nhận lời ngay.
Còn theo lão tướng Trần Cảnh Đến: “Dù lâu ngày không đấu bóng bàn nhưng khi biết ý nghĩa hoạt động này, tôi rất sẵn lòng tham dự. Thông qua những hoạt động thể thao như thế này sẽ làm con người xích lại gần nhau”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét